BỘ MÔN QUẢN MÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HỒ CHÍ MINH

 Các sinh viên thực hiện nhóm đề tài về xây dựng và (hoặc) cải tiến hệ thống An toàn lao động nghề nghiệp & môi trường có thể xem thêm chi tiết đối về hướng dẫn & các nội dung cảnh báo cũng như các câu hỏi thường gặp ở đây.

 

 HƯỚNG DẪN VÀ CẢNH BÁO ĐỐI VỚI KLTN/ĐATN

thuộc nhóm đề tài

 XÂY DỰNG (A)  hoặc ĐÁNH GIÁ HIỆU LỰC & CẢI TIẾN (B)

 HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG / ATSKNN

 

1. PHÂN BIỆT BỐI CẢNH THỰC HIỆN GIỮA 2 ĐỀ TÀI:

A- Xây dựng HTQL: áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tất cả các hoạt động,… với điều kiện là tổ chức hoàn toàn chưa xây dựng hệ thống (dù có chứng nhận hay không chứng nhận).

B- Đánh giá hiệu lực và cải tiến HTQL: áp dụng cho các tổ chức đã xây dựng xong HTQL, dù đã được hay chưa được chứng nhận.

2. PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI TRONG TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIÊP QUY MÔ LỚN/PHỨC TẠP

Riêng đối với KLTN/ĐATN của SV, cho phép việc thực hiện tại một Xưởng / một phần doanh nghiệp. Tuy nhiên, bạn cần chú ý các vấn đề sau:

A – Xây dựng HTQL: 

·         Nội dung KLTN/ĐATN có thể không được chấp nhận khi nó không bao gồm dữ liệu đại diện cho Site mà bạn đang muốn xây dựng hệ thống (cụ thể: chỉ có dữ liệu công ty mà không có của từng Xưởng hay từng vị trí). Điều này làm giảm đi rất lớn  tính logic khi nhìn nhận và đánh giá vấn đề cần kiểm soát của hệ thống quản lý (KCMT có ý nghĩa, rủi ro không thể chấp nhận…)

·         Nội dung KLTN/ĐATN có thể không được chấp nhận khi nó không bao gồm các hoạt động phụ trợ hay dịch vụ dùng chung trong công ty (mà Xưởng bạn đang nhắm tới cũng có liên quan). Ví dụ: nhà ăn, nhà để xe, hành chánh, bảo trì, kho vận, hệ thống xử lý nước thải và vệ sinh môi trường…. Trong trường hợp này, dù Xưởng mà bạn đang thực hiện đề tài chỉ sử dụng 1 phần nhỏ dịch vụ của các hoạt động đó, nó vẫn phải được tính đến và đưa vào kiểm soát nếu cần.

B- Đánh giá hiệu lực và cải tiến HTQL: Tương tự nhóm A – Xây dựng hệ thống.

Riêng trường hợp này, các vấn đề cải tiến (hiện đang phù hợp và cần làm cho tốt hơn) có thể tìm ra bằng các so sánh việc áp dụng giữa các bộ phận/Xưởng. Phân tích sự khác biệt này để tìm ra nhân tố điển hình, điều chỉnh chi tiết hoặc rút ra điều gì là có lợi cho doanh nghiệp mà vẫn phù hợp với các yêu cầu của  hệ thống quản lý thì tiếp tục  tiến hành.

3. NHỮNG KHÓ KHĂN & THUẬN LỢI TRONG QUÁ TRÌNH  THỰC HIỆN

A- Xây dựng HTQL:

·         THUẬN LỢI: Có vẻ như có tính tương đồng nhiều tổ chức (không phải là tất cả), nhất là HTQLMT theo ISO 14K. Vì thế sinh viên (SV) có thể tham khảo các KLTN trước, tài liệu của các tổ chức đã có HHQL đang vận hành và áp dụng.

 

·         RỦI RO: Với lợi thế trên, SV thường cứ copy-paste từ các KLTN trước hoặc nguồn tham khảo nào đó mà không hề quan tâm đến thực tế của doanh nghiệp đang được tham chiếu để xây dựng hệ thống quản lý (đơn vị thực tập). Tính không phù hợp với thực tế này cho thấy nội dung KLTN/ĐATN không phải là sản phẩm của SV, vì thế có  thể dẫn đến kết quả KLTN/ĐATN bị từ chối (rớt).

B- Đánh giá hiệu lực và cải tiến HTQL: áp dụng cho các tổ chức đã xây dựng xong HTQL, dù đã được hay chưa được chứng nhận.

·         THUẬN LỢI: Sự đầu tư nghiên cứu và nỗ lực trong quá trình làm việc sẽ cho SV một khối lượng kiến thức vô cùng phong phú. Đồng thời, kết quả KLTN/ĐATN có thể được đánh giá cao nếu “Sản phẩm” của SV thực sự có ích cho công tác quản lý môi trường hoặc ATSKNN tại doanh nghiệp.

 

·         KHÓ KHĂN:  Không có sự giống nhau nào tuyệt đối giữa các tổ chức vì tính đặc thù của từng ngành và từng doanh nghiệp. Vì thế so với nhóm đề tài Xây dựng hệ thống quản lý XYZ nói trên, SV phải làm việc gấp nhiều lần hơn trong quá trình thâm nhập thực tế, vận dụng mọi khả năng và nguồn để học hỏi trong quá trình làm KLTN.

 

·         RÙI RO TIỀM ẨN: Một số doanh nghiệp đồng ý cho SV vào thực tập tốt nghiệp và làm đề tài này vì họ thực sự thiện chí, luôn luôn muốn làm tốt hơn, thể hiện đúng cam kết trong Chính sách MT/ATSKNN là Cải tiến liên tục. Tuy nhiên, một phần trong số đó, họ đã hầu như đạt đến đỉnh của sự hoàn hảo về hệ thống quản lý. Và, trong tình huống này, SV gần như không thể khai thác được gì (những yếu điểm) ở đó để viết vào báo cáo KLTN/ĐATN.  Dù đó là sự thật, SV vẫn có thể bị đánh giá là “lao động quá ít” hay “sản phẩm nghèo nàn”, và biết đâu… rớt.  Kết quả chấm KLTN của Hội đồng như thế là chính xác (hãy lưu ý điều này), vì sản phẩm mà SV đăng ký là Cải tiến hệ thống quản lý XYZ nhưng giờ không có cải tiến nào đáng kể thì chắc chắn là không đạt yêu cầu. Hội đồng KLTN không thể cho SV điểm tốt được, vì như thế thì sao được gọi là công bằng với một người đã tìm thấy rất rất nhiều vấn đề để cải tiến và đã có những giải pháp cải tiến cụ thể .

3. CÁC CÂU HỎI / VƯỚNG MẮC THƯỜNG GẶP

Nhiều SV, dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên lớp, trong các môn học tương ứng, nhưng vẫn gửi những câu hỏi sau đây về Bộ môn QLMT. Điều này cho thấy hoặc bạn không  thực sự tập trung vào việc học tập, hoặc kiến thức của bạn sau hơn 100 tín chỉ học tập vẫn quá có vấn đề. Đây thực sự là một MỐI NGUY LỚN cho tương lai của chính bạn.

1.     Em có làm được đề tài A hay B cho doanh nghiệp XYZ nào đó không??

Trả lời: Đã được ghi trong các tiêu chuẩn, trả lời nhiều lần và gần nhất, đã trả lời ở phần 1.

2.     Nếu HTQL của doanh nghiệp đã được chứng nhận rồi thì có cần phải cải tiến nữa không?

Trả lời:

·         Tương tự đã giải thích ở phần 2, bản thân doanh nghiệp phải liên tục cải tiến. Đó là một cam kết bắt buộc của tiêu chuẩn mà doanh nghiệp phải ghi trong Chính sách và vì thế phải triển khai, dù dưới dạng thức nào.

·         Nội dung đề tài tốt nghiệp của SV, cũng là nhiệm vụ của doanh nghiệp. Vì thế, kết quả KLTN có thể được xem là một sản phẩm khoa học có giá trị (nếu nó thực sự có giá trị)

Cảnh báo: Từng ngày, từng ngày hoạt động thực tế sẽ tạo ra lỗi hoặc thể hiện các nhược điểm. Vì thế, chứng nhận rồi không có nghĩa là các nhược điểm đã hết.

3.     Nếu HLQL đã được chứng nhận rồi mà vẫn còn vấn đề phải cải tiến, lỗi của ai (doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận hay các cơ quan quản lý có liên quan)?

Trả lời: Không cần quan tâm đến vấn đề này, vì chúng ta không phải là Hội đồng xét xử để phán quyết ai là người có lỗi. Chúng ta chỉ quan tâm: CÓ NHƯỢC ĐIỂM (kể cả sai hoàn toàn, không phù hợp hoặc chưa làm tốt) không? LỖI đó phải được CẢI TIẾN hay KHẮC PHỤC PHÒNG NGỪA như thế nào.

Cảnh báo SV: Đừng la cà vào chỗ mà mình chẳng liên quan gì hay mình không có năng lực để tương tác lên chỗ ấy. Ví dụ:

·         Ngay cả trường hợp SV phát hiện ra sai lỗi hay nhược điểm nhưng doanh nghiệp hay tổ chức chứng nhận không phát hiện ra, đó là chuyện bình thường, thậm chí cũng chẳng phải là SV chúng ta giỏi hơn auditor của tổ chức chứng nhận.

·         Ngay cả trong trường hợp SV phát hiện ra auditor đã “nhẹ tay” mà cho qua lỗi, SV sẽ làm gì??? Hãy cẩn thận, trước hết vì nguyên tắc audit là chọn mẫu, có thể nó không đủ cho toàn bộ mọi  tình huống chi tiết (chắc chắn, cũng như đề thi học kỳ không thề bao gồm toàn bộ nội dung môn học bao giờ !!), và vì năng lực của bạn (SV) thì không thể bắt bẻ được để auditor có thể nhận lỗi là họ đã nhẹ tay đâu, đừng có làm cái việc vớ vẩn đó, vô ích. Họ đã “nhường lại” cho bạn chút việc để làm, để có cái viết vào KLTN rồi thì hãy cám ơn auditor đi. Nếu họ viết hết sạch đến từng cọng rác, vậy hóa ra sản phẩm của bạn cũng là sao chép từ auditor luôn rồi đó !!!

 

4.     Nếu rơi vào một phần trong trường hợp cảnh báo trên (ví dụ: tổ chức có rất nhiều lỗi và auditor đã ghi ra hết rồi) thì SV phải làm gì?

Trả lời: Đừng lo lắng. Đề tài của bạn có 2 phần (2 nhóm sản phẩm) dù 2 phần đó tương quan nhau: 1/ Đánh giá hiệu lực: sản phẩm là các nhược điểm được phát hiện, 2/ Cải tiến hệ thống: giải pháp hành động cho các nhược điểm đó. Chắc chắn rằng auditor không làm việc thứ 2 đâu. Nó là việc mà tổ chức phải làm. Và theo câu trả lời đã ghi trong CẢNH BÁO trên, bạn sẽ làm tiếp phần KHẮC PHỤC PHÒNG NGỪA hoặc CẢI TIẾN.

 

5.     Có phải hệ thống đã được chứng nhận rồi là không còn nhược điểm hay sai lỗi nữa không?

Trả lời: Ở đâu ra suy nghĩ này vậy???  Bạn tốt nghiệp ĐH rồi nghĩa là cái gì đã học đều làm tốt và hoàn hảo, đúng không? Một văn bản nhà nước, tự thân nó còn có chỗ không phù hợp, hoặc nếu nó phù hợp hết rồi mà người áp dụng vẫn cố tình vi phạm thì nhược điểm trong quá trình áp dụng văn bản vẫn là điều phải tiếp tục phát hiện và xử lý. Đơn giản !!

Như đã cảnh báo ở câu 2, xã hội vận động và phát triển không ngừng. Sản phẩm tạo thành thì phế phẩm của song hành tạo thành. Điều tốt xuất hiện từ quá trình vận hành HTQL thì những nhược điểm cũng phát sinh, đôi khi chỉ vì chúng có năng lực phát hiện tốt hơn hoặc mong muốn thiện chí hơn. Vì thế đừng bao giờ bận tâm “Thế thì doanh nghiệp này có đáng được chứng nhận không?”, hoặc “Phải xem xét lại năng lực đạo đức của doanh nghiệp hoặc tổ chức chứng nhận”

6.     Nếu tổ chức chưa xây dựng hệ thống quản lý mà có quá nhiều sai lỗi, kể cả vi phạm pháp luật, có tiến hành được đề tài Xây dựng hệ thống quản lý… không?

Trả lời: Không ảnh hưởng gì đến đề tài KLTN của bạn. Thực trạng đó càng làm cho tính cấp thiết đối với đề tài KLTN của bạn càng cao.

Thực tế, rất nhiều trường hợp trước khi xây dựng và chứng nhận HTQL, doanh nghiệp vi phạm luật nghiêm trọng, nhưng sau khi xây dựng và vận hành hệ thống, đặc biệt là khi đã được chứng nhận, tỷ lệ vi phạm giảm đi rất nhiều (chú ý là chỉ giảm đi rất nhiều chứ không phải là hoàn toàn 100% tuân thủ yêu cầu pháp luật).

7.     Và còn nhiều câu hỏi khác mà SV cần cẩn thận trong khi thực hiện các đề tài thuộc nhóm này. Các bạn có thể gửi câu hỏi về cho Bộ môn QLMT để tiếp tục cập nhật các hướng dẫn cần thiết.

 

Trưởng BM QLMT

 

 

Vũ Thị Hồng Thủy

 

 

 

Mọi thắc mắc có thể liên lạc về nhóm Cố vấn học tập của BM QLMT:

1. Ths. Nguyễn Kim Huệ (huenk@hcmuaf.edu.vn);

2. Ths. Hoàng Bảo Phú (h.b.phu@hcmuaf.edu.vn); or

3. Ths. Lê Thị Thủy (lethithuy110990@gmail.com).

BM QLMT

Số lần xem trang: 2137
Điều chỉnh lần cuối: 28-08-2014

Quy định liên quan đến KLTN & ĐATN của ngành QLMT

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu bốn ba sáu một

Xem trả lời của bạn !